Hà Nội: Thêm mô hình thành công nuôi cua biển trong hộp nhựa

Với sản phẩm cua lột, cua cốm độc đáo, chất lượng cao, nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn, các mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa ở Hà Nội đang dần nở rộ

Mới đây, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có bài ghi nhận mô hình độc đáo nuôi thành công cua biển trong hộp nhựa ở Hà Nội của Chị Nguyễn Thị Kim Oanh tại thôn 3 Xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì). Ngoài mô hình của chị Oanh, hiện ở Hà Nội cũng đã có trang trại nuôi cua biển trong hộp nhựa rất thành công khác của anh Nguyên Vũ ở thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Đến thăm trang trại nuôi cua biển của anh Vũ, chúng tôi ngỡ ngàng khi biết mô hình nhà nuôi diện tích chỉ hơn 400m2 này đem lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

Khởi nghiệp từ lần đi ăn nhà hàng

Nguyên Vũ, chủ trang trại, sinh năm 1994, vốn là người Sóc Sơn (Hà Nội). Kể về ý tưởng hình thành trang trại, Vũ cho biết, trước kia, anh chỉ đơn thuần là người đầu tư chứng khoán. Một lần anh tình cờ vào nhà hàng thưởng thức món cua biển, thấy gạch cua vàng ruộm, béo ngậy, không ngấy, thịt cua chắc, thơm ngon… hơn mọi khi, tò mò hỏi ra thì biết nhà hàng… đưa nhầm món!

“Mai cua rất mềm, ăn luôn được, lại đầy tú ụ thịt, rất ngon, nhiều dinh dưỡng. Hỏi nhân viên nhà hàng vì sao có con cua lạ thế này, họ nói “anh gặp may đấy, người ta đặt nhầm con cua cốm vào. Giá cua cốm luôn đắt gấp đôi so với cua thịt bình thường”. Thế là mình nảy ra ý muốn tìm hiểu về cua cốm để nuôi”, Nguyên Vũ tâm sự.

4

Hộp nhựa được xếp thành giàn, đánh số thứ tự, mỗi ô chỉ nuôi một con cua để tránh việc chúng ăn thịt lẫn nhau. Ảnh: Diệu Vy.

Sau đó, Vũ tìm về các đầm nuôi cua bể ở các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định… để tìm hiểu. Nông dân giàu kinh nghiệm cho biết không thể thu hoạch cua đồng loạt vào giai đoạn lột mai được, bởi mỗi con cua thay mai vào một ngày khác nhau, khi mai cũ thay ra, thì lớp mai mới chỉ sau 4 giờ sẽ cứng lại.

Đặc biệt, cua bể được nuôi trong đầm thì không thể tìm chọn từng con cua lột vỏ để thu hoạch, thế nên thường phải thu hoạch cả lứa, chủ đầm bán cả cho thương lái với giá 280.000 đồng/kg cua sống. Thương lái mua về, nếu thấy có con nào đang giai đoạn cốm (lột vỏ) thì lọc ra bán với giá 800.000 – 1.000.000 đồng/kg, còn cua bình thường bán tại chợ giá 400.000 – 500.000 đồng/kg.

Nghe nói Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III (Nha Trang, Khánh Hòa) đang nghiên cứu thử nghiệm nuôi cua cốm, Vũ lại lặn lội tìm đến để học hỏi kinh nghiệm. Theo lời các nhà nghiên cứu ở Viện thì ở Trung Quốc và Thái Lan, người ta đã nuôi xuất bán cua bể cốm từ khoảng chục năm nay rồi.

Nhận thấy tiềm năng kinh tế từ loại cua độc đáo này, Vũ quyết định đầu tư 6.000 chiếc hộp nhựa chuyên dụng để nuôi cua. Hệ thống ống nước vận hành nước biển nuôi cua được lắp đặt rất công phu đến từng hộp lồng. Nước từ các hộp nuôi cua liên tục chảy ra theo các đường ống dẫn đến hệ thống bể lọc, trong đó có bể lọc vi sinh xử lý chất thải.

Nước sau khi lọc được thu hồi cho bơm trở lại cấp vào đường ống nước dẫn đến các hộp nuôi cua. Mấu chốt của hệ thống này là hạt kaldnes (như san hô), là nơi cho vi sinh trú ngụ và xử lý chất thải của cua nhằm giúp môi trường sạch hơn. Sau đó, nước được chuyển qua xử lý bằng đèn UV (xử lý tảo và vi khuẩn, nấm…) có tác dụng như ánh sáng mặt trời, mô phỏng theo tự nhiên.

Bài viết liên quan